[Hannover Messe 2020] Nhãn vô tuyến có khả năng thay thế mã vạch

Tháng Hai 04 07:00 2020

Hannover Messe 2020 – hội chợ hàng đầu thế giới về công nghệ và máy móc công nghiệp, là sự kiện thường niên được tổ chức bởi Deutsche Messe AG (CHLB Đức) tại Hannover. Sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 13 đến 17/07/2020. Để Quý vị có được những thông tin mới nhất, những xu thế và xu hướng phát triển của các ngành công nghiệp và công nghệ trọng yếu hiện tại và trong tương lai, technologyMAG.net sẽ lần lượt có những tin bài, hình ảnh, video … về các chủ đề quan trọng nhất đã hiện diện tại sự kiện lớn nhất hành tinh này.

Hà Lan và CHLB Đức đang hợp tác trong một dự án nghiên cứu có tên DruIDe, để phát triển nhãn RFID không chip có thể in trực tiếp lên bao bì. Đây được xem là một giải pháp thân thiện với môi trường và có thể được đọc nhanh hơn mã vạch.

*Chú thích: RFID (Radio Frequency Identification – tạm dịch: Nhận dạng qua tần số vô tuyến) là một công nghệ dùng kết nối sóng vô tuyến để tự động xác định và theo dõi các thẻ nhận dạng gắn vào vật thể.

nhãn vô tuyến

Ngày nay, mỗi gói hàng hóa hay sản phẩm sẽ có một mã vạch riêng. Có thể thấy, ta mất rất nhiều thời gian cho việc xác định vị trí, quét mã vạch và sắp xếp sản phẩm. Nhận dạng sản phẩm bằng nhãn RFID không chip nhanh hơn nhiều vì đây là một phương thức nhận dạng vô tuyến. Công nghệ này được phát triển bởi trường đại học Duisburg-Essen (UDE), đại học Twente (UT) và bốn công ty khác như một phần của dự án DruIDe. Một loại mực đặc biệt được chế tạo từ silicon dưới dạng tinh thể nano sẽ được in trực tiếp lên bao bì bằng máy in phun và được xử lý thành một mạch điện tử bằng tia laser. Giáo sư Niels Benson đến từ đại học Duisburg-Essen cho biết họ là những người đầu tiên thực hiện được điều này.

Công nghệ này không những giúp các nhiệm vụ hậu cần (logistics) trở nên dễ dàng hơn mà còn tiết kiệm được chi phí vì nhãn RFID cũng như bao bì có thể tái sử dụng lại. Bên cạnh đó, do nhãn RFID này có thể hoạt động không cần thẻ chip nên chi phí cho nó chỉ rơi vào khoảng một cent, bằng một phần năm chi phí cho các mã vạch thông thường. Tại CHLB Đức, công ty khởi nghiệp airCode đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 8, tháng 10 để đưa công nghệ này ra thị trường. Đồng thời, một công ty khác cũng đã được thành lập ở Hà Lan với mục đích tương tự. 

Để xem các tin bài khác về Hannover Messe 2020, hãy nhấn vào đây.

 

(Nguồn: Hannover Messe 2020/ www.hannovermesse.de/en)

 

Bình luận hay chia sẻ thông tin