Metro: giải pháp cho giao thông đô thị

Tháng Mười 17 13:30 2014

Tại thành phố Hồ Chí Minh (tp.HCM), dự án tàu điện ngầm (Metro) đang có điều kiện thuận lợi để triển khai do được thừa hưởng từ rất nhiều bài học của các quốc gia đã áp dụng thành công.

Tại thành phố tp.HCM, sau hai năm thi công, đến nay tuyến Metro đầu tiên đang dần được hình thành, được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt giao thông đô thị thành phố. Tuy nhiên, đi kèm theo kỳ vọng cũng có không ít mối băn khoăn, từ vấn đề về kinh phí (gần 2,5 tỷ USD) đến lộ trình xây dựng (10 năm)… Có ý kiến cho rằng, với mật độ giao thông tại thành phố tp.HCM, cần so sánh lợi ích từ việc xây dựng Metro với các giải pháp giao thông công cộng khác (như phương thức xe buýt nhanh BRT, Tramway…) có vốn đầu tư vừa phải, thời gian xây dựng ngắn và nối kết đơn giản hơn.

Nhận định về vấn đề này, giới chuyên gia nghiên cứu cho rằng, dự án tàu điện ngầm Metro

tuy tốn kém, thời gian thi công kéo dài nhưng là điều kiện cần thiết đối với hệ thống giao thông đô thị của thành phố HCM, đặc biệt trong bối cảnh ùn tắc giao thông đang ngày càng nghiêm trọng.

Theo tiến sĩ. Phạm Xuân Mai, giảng viên Đại học bách khoa tp.HCM, đối với một thành phố có đến mười triệu dân như tp.HCM, dự án Metro là thực sự cần thiết để giải quyết “bài toán” giao thông đô thị đang ngày càng nhức nhối. Nhìn ra thế giới có thể nhận thấy, muốn trị “căn bệnh” ùn tắc giao thông đô thị, phải dùng “thuốc liều cao” là lấy phương tiện giao thông công cộng thay thế dần phương tiện giao thông cá nhân. Trong đó, xây dựng các tuyến tàu điện ngầm, đường sắt đô thị Metro được cho là giải pháp hữu hiệu.

Quy hoạch phát triển giao thông tp.HCM đến năm 2020 đã chọn xây dựng đường sắt đô thị là xương sống, kết hợp với xe buýt, taxi, xe cá nhân… nhằm tăng tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng và bán công cộng từ dưới 10% lên 15-18% vào năm 2020. Trong tương lai, các tuyến Metro sẽ là “xương sống” của hệ thống đường sắt đô thị và giao thông công cộng của tp.HCM. Tuy phải đầu tư số vốn lớn nhưng đây là giải pháp bắt buộc phải thực hiện để giải tỏa áp lực cho những con đường vốn đang quá tải trầm trọng.

Các chuyên gia giao thông cho rằng, dự án Metro tại tp.HCM đang có nhiều thuận lợi do được thừa hưởng từ rất nhiều những bài học của các quốc gia đã áp dụng thành công như: Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Anh Quốc… Bài học từ Thái Lan cho thấy, với dự án lớn như Metro cần triển khai càng sớm càng tốt, nếu để chậm trễ, mật độ nhà cửa sẽ ngày một tăng cao, khi đó gánh nặng ngân sách cho Metro là rất lớn.

Metro Giai phap cho giao thong do thi_01

Dự án Metro TPHCM đang bước vào giai đoạn gấp rút triển khai

Nhiều bài học quản lý từ quốc tế
Theo chuyên gia giao thông Phạm Sanh, khó khăn lớn nhất đối với dự án Metro là việc đảm bảo kinh phí sau khi tuyến Metro đi vào hoạt động, đây cũng là “bài toán” hóc búa làm đau đầu những nhà quản lý, không chỉ tại Việt Nam. Trên thực tế, với thời gian cách tuyến dự tính từ 3-10 phút, Metro cần một lượng khách nhất định để bù lỗ chi phí vận hành (phí nhân công, nâng cấp, bảo dưỡng…) khi đưa vào khai thác.

Tại Việt Nam, giải pháp về mặt tài chính đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu là tích hợp các trung tâm mua sắm tại những ga trung tâm; đồng thời áp dụng hình thức trợ giá như đối với xe buýt nhằm tạo điều kiện khuyến khích cư dân sử dụng phương tiện giao thông vốn còn mới này.

Việc tích hợp các trung tâm mua sắm, dịch vụ, vui chơi giải trí… tại những ga trung tâm là cách làm của nhiều quốc gia có hệ thống Metro phát triển. Đây là một trong các giải pháp nối kết Metro và người sử dụng, đồng thời góp phần tăng cường đảm bảo tình hình an ninh trật tự khu vực nhà ga. Thế nhưng, vị chuyên gia này lưu ý, đây không phải là giải pháp huy động tài chính hoặc mang lại hiệu quả tài chính cho Metro, vì chi phí đầu tư và khai thác Metro là rất lớn.

Việc trợ giá Metro như đối với xe buýt là việc cần làm bởi theo kinh nghiệm quốc tế, ngay tại những quốc gia có hệ thống Metro phát triển như Nhật Bản cũng không thể dùng Metro để nuôi Metro, kể cả khi đã tư nhân hóa khai thác một số hạng mục trong hệ thống.

Trên thế giới, không ít quốc gia đã vượt qua khó khăn và vận hành thành công tàu điện ngầm Metro. Nghiên cứu từ Anh Quốc cho thấy, sự minh bạch và công khai về Metro sẽ góp phần thu hút sự ủng hộ của cộng đồng. Còn tại Singapore, cơ quan chức năng nước này thường xuyên tổ chức lấy ý kiến người dân, cũng như phổ biến những thông tin mới nhất về dự án. Qua đó, tàu điện ngầm của Singapore dần tạo được uy tín đối với cộng đồng nói chung và các nhà đầu tư nói riêng.

Ngoài những khó khăn về mặt kinh phí, đối với một dự án lớn như Metro, việc vận hành quản lý sau khi đưa công trình vào khai thác cũng là bài toán “hóc búa”, quyết định đến sự thành, bại của dự án. Theo chuyên gia Phạm Sanh, “siêu” dự án Metro trong giai đoạn xây dựng ban đầu còn có sự góp sức của đội ngũ chuyên gia tư vấn và nhà thầu nước ngoài; nhưng khi đi vào hoạt động khai thác lâu dài, chỉ còn đội ngũ kỹ sư và nhân công người Việt Nam. Như vậy, để Metro thực sự trở thành “mạch máu” giao thông, vấn đề tổ chức và đào tạo nhân sự phải được đặt ra ngay từ thời điểm hiện tại.

Về lâu dài, các cơ quan chức năng cần thiết lập các hành lang về pháp lý, tài chính và kỹ thuật; xác định ngay từ đầu mô hình quản lý hệ thống một cách cụ thể. Theo bài học từ Thái Lan, để xây dựng thành công Metro, không những cần có một kế hoạch chi tiết và kỹ lưỡng, quy hoạch lại hệ thống giao thông công cộng, mà còn phải xây dựng được một khung pháp thật lí vững chắc để tận dụng tối đa hợp tác công – tư (PPP); tránh sự chồng chéo chức năng của các cơ quan quản lý.

Tìm “đầu ra” cho Metro
Cuối cùng, thách thức đặt ra là thói quen sử dụng phương tiện cá nhân của cư dân thành phố. Trên thực tế, người dân vẫn chưa thực sự mặn mà với các loại hình giao thông công cộng. Chuyên gia Phạm Sanh cho rằng, nếu người dân vẫn giữ thói quen này, tự một mình hệ thống Metro sẽ không giải quyết được những vấn đề tồn tại của giao thông đô thị tp.HCM.

Muốn giải tỏa áp lực cho hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, cần khuyến khích người dân thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cá nhân sang các loại hình giao thông công cộng khác. Đối với hệ thống Metro, để thu hút người dân sử dụng hình thức giao thông mới mẻ này, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu các giải pháp kết nối: Metro-Metro; Metro-các phương tiện giao thông công cộng khác; Metro-người sử dụng và Metro-quy hoạch đô thị.

Ví dụ, để giải quyết mối liên hệ giữa Metro và người sử dụng, cần nghiên cứu các hình thức vé và giá vé; áp dụng công nghệ thông tin trong việc tra cứu thông tin hành trình… để người dân tiếp cận dễ dàng với Metro trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đặc biệt, các cơ quan quản lý cần chú trọng đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ Metro theo hướng văn minh, an toàn và thân thiện.

Chuyên gia Phạm Sanh nhấn mạnh, bài học nhãn tiền là việc vận hành hệ thống xe buýt tại tp.HCM, dù đã đưa vào hoạt động trên mười năm nhưng năng lực vẫn không mấy phát triển và chưa được người dân ưa chuộng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có cả vấn đề về mô hình quản lý khai thác còn mang hơi hướng bao cấp, chưa chú trọng đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ.

(Nguồn: baodientu.chinhphu.vn)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Article "tagged" as:
  Categories: