Ra mắt tàu vận chuyển CO2 đầu tiên tại Nhật Bản áp dụng công nghệ CCS

Tháng Năm 18 09:14 2023

Ngày 28.3.2023, nhà máy đóng tàu Mitsubishi (Mitsubishi Shipbuilding) đã hạ thủy tàu chở CO2 chuyên dụng đầu tiên, được thiết kế đặc biệt để làm cơ sở cho việc phát triển ngành vận chuyển carbon, hỗ trợ phát triển ý tưởng “thu giữ, lưu trữ và tái sử dụng CO2”. Con tàu là một phần của dự án do chính phủ tài trợ có sự tham gia của nhiều công ty tại Nhật Bản, để vận hành và quảng bá con tàu cùng với chương trình R&D (nghiên cứu và phát triển) và thương mại hóa công nghệ vận chuyển carbon.
(1) Công nghệ CCS: Một công nghệ “bẫy” CO2, chủ yếu được chia thành ba quy trình: tách/ thu hồi, vận chuyển và lưu trữ CO2.

Công ty Mitsubishi Shipbuilding thiết kế và đóng mới tàu vận chuyển CO2 chuyên dụng.

Lễ hạ thủy tàu chở CO2 chuyên dụng được tổ chức tại xưởng Enoura (ở thành phố Shimonoseki, Nhật Bản) của nhà máy đóng tàu & máy móc Shimonoseki (Shimonoseki Shipyard & Machinery Works) thuộc tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi – MHI (Mitsubishi Heavy Industries). Con tàu dài 72m với dung tích khoang chở hàng là 1.450 mét khối. Con tàu dự kiến ​​được giao vào cuối năm 2023 để bắt đầu các chuyến thử nghiệm và trình diễn công nghệ vận chuyển carbon.

Nhà máy đóng tàu Mitsubishi bắt đầu đóng con tàu này vào tháng 10.2022, từ kinh nghiệm đóng các tàu chở LNG và LPG trước đây. Nhà máy đóng tàu chịu trách nhiệm thiết kế con tàu, bao gồm hệ thống chứa hàng hóa cũng như các công nghệ xử lý khí. 

Sau khi hoàn thành, con tàu sẽ thuộc sở hữu của công ty Sanyu Kisen và hiệp hội Tiến bộ Kỹ thuật Nhật Bản – ENAA (Engineering Advancement Association) thuê lại, một trong những tổ chức tham gia vào các dự án thí nghiệm. Họ sẽ lắp đặt và vận hành hệ thống bể chứa hàng hải LCO2 để tiến hành nghiên cứu và phát triển hệ thống. Các công ty như: Kawasaki Kisen Kaisha (“K” LINE), Nippon Gas Line Co., và đại học Ochanomizu cũng sẽ hợp tác với ENAA để tiến hành nghiên cứu & phát triển về kiểm soát áp suất và độ ổn định của LCO2 khi được vận chuyển trên tàu, đồng thời lên kế hoạch cho các cuộc thí nghiệm để hỗ trợ quá trình phát triển công nghệ vận chuyển CO2 an toàn và đạt chi phí thấp. Công ty vận tải hàng hải “K” LINE trước đây đã tiến hành các nghiên cứu đánh giá rủi ro cho con tàu.

Tổ chức Phát triển Công nghệ Công nghiệp và Năng lượng Mới của Nhật Bản – NEDO (New Energy and Industrial Technology Development Organization) tổ chức và tài trợ cho các dự án ​​nhằm hỗ trợ thương mại hóa các công nghệ vận chuyển CO2. Nhật Bản cũng tài trợ cho dự án hiệp hội Nghiên cứu Công nghệ Chuỗi cung ứng Năng lượng hydro không chứa CO2 – HySTRA (Free Hydrogen Energy Supply-Chain Technology Research Association) và năm 2022 đã trình diễn tàu chở hydro hóa lỏng đầu tiên trên thế giới – Suiso Frontier trong một dự án tương tự để hỗ trợ phát triển vận chuyển hydro lỏng.

Công ty Công nghiệp Đóng tàu Đại Liên – DSIC (Dalian Shipbuilding Industry) tại Trung Quốc, cũng đang đóng các tàu chở CO2 thương mại đầu tiên, được thiết kế để hỗ trợ phát triển ý tưởng “thu giữ, lưu trữ và tái sử dụng CO2”. Các con tàu dài 130m đã được đặt hàng vào cuối năm 2021 bởi công ty Northern Lights, một liên doanh giữa công ty dầu khí tự nhiên Equinor, tập đoàn năng lượng và hóa dầu Shell và công ty đa năng lượng TotalEnergies. Công ty Northern Lights (trụ sở tại Na Uy) đã đề ra kế hoạch vận chuyển và lưu trữ carbon vào giữa năm 2024 với công suất lên tới 1,5 triệu tấn CO2 mỗi năm trong giai đoạn đầu hoạt động. Đợt cắt thép đầu tiên cho hai tàu, mỗi tàu sẽ có sức chứa 7.500 mét khối CO2, được hoàn thành vào tháng 11.2022. Các tàu chở CO2 thương mại lớn hơn dự kiến ​​được giao vào năm 2024.

Để xem các tin bài khác về “Hàng hải & Đóng tàu”, hãy nhấn vào đây.

 

(Nguồn: Maritime Executive)

Bình luận hay chia sẻ thông tin