Tổng quan về bè cứu sinh

Tháng Năm 23 14:00 2017

Bè cứu sinh (Liferaft) là thiết bị cứu sinh cực kỳ quan trọng đối với mọi tàu hàng, tàu khách … bên cạnh xuồng cứu sinh. Bè cứu sinh dễ dàng thả hơn so với xuồng cứu sinh trong tình huống khẩn cấp, việc sơ tán khỏi tàu có thể không cần được thực hiện bằng tay vì bè cứu sinh được thiết kế có khả năng tự thổi phồng. SOLAS chương III(*) cho ta biết chi tiết về chủng loại, số lượng bè cứu sinh phải trang bị cho tàu biển dựa trên kích cỡ và loại tàu.

Tong-quan-ve-be-cuu-sinh_01

Bè cứu sinh thường được lắp gần khu vực tập trung (muster station), về mạn trái và mạn phải gần xuồng cứu sinh, và về phía mũi và lái của tàu. Vị trí lắp đặt thường phụ thuộc vào kích cỡ của tàu. Bè cứu sinh được chứa trong một hộp chứa làm bằng sợi thủy tinh, kết hợp với khí nén áp suất cao để thổi phồng bè. Một bộ nhả thủy tĩnh (Hydrostatic Release Unit) nối hộp chứa bè với tàu, có tác dụng giải phóng bè khi tàu chìm vào nước.

Các đặc tính của bè được dán bên ngoài hộp chứa bao gồm sức chứa, ngày sản xuất, ngày bảo dưỡng, tên công ty… cùng với quy trình thả bè được minh họa dễ hiểu bằng hình ảnh. Dụng cụ sinh tồn cơ bản có trong bè gồm lương thực, pháo hiệu, áo phao…

Một vài tàu thì trang bị một hệ thống thả bằng cẩu davit cho phép thuyền bộ thổi phồng và vào bè ngay trên boong, nhằm ngăn ngừa các nguy hiểm khi thuyền bộ tiếp xúc với nước biển.

Tong-quan-ve-be-cuu-sinh_02

Một số đặc điểm cơ bản của bè cứu sinh

– Bè thường là loại đóng từng phần hoặc đóng toàn toàn bằng một mái che để bảo vệ thuyền viên khỏi thời tiết xấu và ánh nắng trực tiếp.
– Mái che có màu cam để dễ nhìn thấy, trên mái che có may các sọc phản quang.
– Ống cao su của bè là loại hai lớp, khi một lớp thủng thì lớp kia giúp bè nổi.
– Sàn bè làm bằng vật liệu chống nước để nếu nước tràn vào thì có thể dễ dàng cho ra ngoài.
– Bè có các túi chứa nước ballast để ổn định tàu trong thời tiết xấu.
– Neo cũng là một dụng cụ để tăng tính ổn định của bè.
– Một ghềnh dốc hoặc thang được lắp đặt để thuyền viên dễ dàng vào bè.
– Một đèn chiếu sáng để dễ dàng định vị vị trí bè, thường được lắp trên nóc mái che.
– Các dây bên trong và bên ngoài dùng để giữ bè
– Bè còn bao gồm chỗ thông gió, chỗ quan sát bên ngoài và hệ thống hứng nước mưa.

Tong-quan-ve-be-cuu-sinh_03

Yêu cầu của SOLAS đối với bè cứu sinh

– Mọi tàu hàng, hàng năm phải bảo dưỡng bè cứu sinh bởi người có chuyên môn trên bờ, thuyền bộ không được tự ý mở ra trên tàu.
– Bè cứu sinh phải chịu được trên 30 ngày trôi dạt trên biển.
– Bộ nhả thủy tĩnh phải được lắp đặt để tự động thổi bè khi tàu chìm.
– Hộp chứa bè phải tự nổi được.
– Bè phải chịu được cú nhảy của thuyền viên ở độ cao 15 feet (khoảng 4.572 m).
– Bè phải được trang bị dây néo/dây thừng dài trên 50 feet (15.24 m).
– Mái che phải có chỗ thò đầu quan sát và hệ thống hứng nước mưa.
– Lối vào bè phải là loại nhanh chóng đóng/mở dễ dàng.
– Tối thiểu hai khoang riêng biệt có thể nổi, mỗi khoang có thể chứa ít nhất 220 lít nước ballast.
– Sàn bè là loại chống nước và có tối thiểu một thang lên bè.
– Bộ dụng cụ sinh tồn và đèn phải có trên bè.
– Bè phải dễ dàng lật lại khi nó bị úp và phải có các dây cứu sinh trong và ngoài bè.

(Nguồn: dieukhientaubien.net)

Chú thích:
*SOLAS-74: Công ước về an toàn sinh mạng con người trên biển, được xem là một trong những hiệp định quốc tế quan trọng nhất liên quan đến tàu buôn. Trong đó, chương III quy định về phương tiện cứu sinh và bố trí cứu sinh.

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Article "tagged" as:
  Categories: