[Tiêu điểm tại Hannover Messe 2016] Năng lượng tích hợp – xu hướng sử dụng năng lượng trong tương lai

Tháng Mười Hai 06 07:30 2016

Hannover Messe 2016 –  Hội chợ hàng đầu thế giới về công nghệ và công nghiệp, là sự kiện lớn nhất và quan trọng nhất của ngành, được tổ chức thường niên bởi Deutsche Messe AG (CHLB Đức). Hannover Messe năm nay sẽ diễn ra từ 25 – 29/04, và nhằm để Quý vị độc giả có được cái nhìn toàn cảnh về những chủ đề nổi bật nhất của hội chợ, chúng tối sẽ lần lượt giới thiệu loạt tin bài, hình ảnh và video liên quan. Để xem các tin bài về hội chợ Hannover Messe 2016, hãy nhấn vào đây.

Các chủ đề quan trọng và nổi bật của Hannover Messe mà chúng tôi sẽ giới thiệu trong loạt bài này bao gồm:
– Công nghiệp 4.0 / Industries 4.0
– Năng lượng tích hợp / Integrated Energy
– Sản xuất chồng lớp / Additive Manufacturing
– Bảo trì dự đoán / Predictive Maintenance
– Nguyên vật liệu và các bộ phận thông minh / Smart Materials & Components
– Phát triển nguồn lực lao động / Workforce ‎Development

Hệ thống năng lượng của Đức đang được chuyển đổi từ một hệ thống tập trung tĩnh thông thường thành một hệ thống phân cấp linh hoạt bao gồm nhiều nguồn phát năng lượng. Nhờ số hóa, quá trình phát điện được kết nối với các thiết bị sưởi ấm/ làm mát, xe điện và quá trình sản xuất công nghiệp để tạo ra một hệ thống năng lượng tích hợp thông minh.

Khu vực Energy của Hannover Messe sẽ vén bức màn công nghệ và kinh tế đằng sau cuộc cách mạng năng lượng của Đức bằng cách trưng bày các hệ thống, các thành phần và dịch vụ là yếu tố quan trọng của hệ thống năng lượng được tích hợp toàn bộ của nước này trong tương lai. Với chủ đề “Integrated Energy”, khu vực Energy sẽ trưng bày toàn bộ quá trình sản xuất năng lượng và chuỗi cung ứng, từ nguồn phát, truyền tải, phân phối và lưu trữ năng lượng.

Tiến sĩ Jochen Köckler, thành viên Hội đồng quản trị của Deutsche Messe cho biết: “Trọng tâm của khu vực Energy năm nay là Integrated Energy Plaza. Tại đây sẽ có một mô hình tương tác, giải thích về các công trình xây dựng quan trọng trong hệ thống năng lượng của tương lai. Nó cũng sẽ cho thấy cách các công nghệ khác nhau được tích hợp và tương tác với nhau để tạo ra một nguồn cung năng lượng an toàn, đáng tin cậy và hiệu quả về mặt chi phí”.

Khu vực Energy không phải là chương trình khoa học viễn tưởng. Nó cho thấy những gì đã có thể thực hiện được, bởi vì tất cả các công nghệ chuyển đổi hệ thống năng lượng thông thường của thế giới thành hệ thống tích hợp đã xuất hiện chứ không phải đang nằm trên giấy. Tại Integrated Energy Plaza, các công ty như nhà sản xuất tuabin gió Enercon, nhà sản xuất dây cáp điện và cung cấp hệ thống phân phối năng lượng Prysmian và công ty công nghệ Siemens sẽ trưng bày các sản phẩm và giải pháp cho các hệ thống năng lượng tích hợp. GP Joule, một trong những nhà tài trợ của Plaza, sẽ sử dụng một mô hình để minh họa cho vai trò quan trọng của giải pháp lưu trữ phân cấp mới trong việc hiện thực hoá các hệ thống năng lượng tích hợp. Một tên tuổi nổi tiếng khác sẽ xuất hiện tại Integrated Energy Plaza là dena, trung tâm chuyên về hiệu quả năng lượng, các nguồn năng lượng tái tạo và các hệ thống năng lượng thông minh của Đức. dena cũng là nhà tổ chức chương trình sân khấu tương tác của Plaza. Các đối tác khác bao gồm các hiệp hội công nghiệp hàng đầu của Đức như VDE, VDMA Power Systems và ZVEI.

Nang-luong-tich-hop

Năng lượng tích hợp
Khu vực Energy của Hannover Messe sẽ đem lại cho khách thăm một quan điểm mới về năng lượng thân thiện với môi trường và hiệu quả về mặt kinh tế trong tương lai. Điều này nhằm mục đích cung cấp cho họ một cái nhìn tổng quan về toàn hệ thống năng lượng bằng cách minh họa cách mà các khâu hợp thành – từ cung cấp năng lượng, truyền tải, phân phối, tới tiêu thụ – liên kết với nhau. Chủ đề của khu Energy 2016, “Integrated Energy”, phản ánh những sự thay đổi mà hệ thống năng lượng của thế giới hiện đang trải qua và các thị trường mới được tạo ra trong quá trình thay đổi này. Theo Đại học RWTH Aachen và công ty Công nghệ Siemens, Đức cần phải liên tục điều chỉnh mục tiêu hệ thống năng lượng quốc gia của mình để phản ánh tỷ lệ ngày càng tăng của năng lượng tái tạo trong tổng nguồn cung năng lượng của nước này. Với tỷ lệ của năng lượng tái tạo chiếm hơn 20% hiện nay, Đức nên tập trung vào các hệ thống tích hợp. Khi vượt mức 40%, các chuyên gia khuyên chính phủ nên chuyển trọng tâm tới tích hợp thị trường (market integration). Từ cột mốc 60%, việc đảm bảo sự tự túc trong năng lượng của các vùng nên được ưu tiên, và khi tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo đạt tới 80%, nguồn cung và tiêu dùng năng lượng nên được tách riêng bằng hệ thống chuyển đổi năng lượng và lưu trữ phân cấp.

Các giải pháp lưu trữ để có được hệ thống tích hợp
Công ty Đức GP Joule là chủ của một dự án được gọi là “Hybrid power plant – Power-to-Gas-to-Power” (nhà máy năng lượng hỗn hợp – Từ năng lượng chuyển thành khí và chuyển ngược thành năng lượng) ở bang Schleswig-Holstein của Đức. Dự án này cho thấy tầm quan trọng và hiệu quả của các giải pháp lưu trữ trong vai trò phương tiện tích hợp năng lượng gió vào hệ thống năng lượng. Những giải pháp này sẽ giúp các nhà máy hạn chế việc dùng nhiên liệu hóa thạch trong thời kỳ ít gió hay gió không đủ mạnh. Nói cách khác, chúng sẽ giúp ta dùng 100% năng lượng tái tạo trong lúc không đủ năng lượng tự nhiên. Mô hình cung cấp năng lượng “phụ trợ” của GP Joule là một giải pháp lưu trữ năng lượng tạm thời dựa trên sự kết hợp hiệu suất cao của điện phân hydro và công nghệ khí sinh học. Hệ thống này bao gồm việc chuyển đổi điện năng dư thừa thành hydro có thể lưu trữ được bằng PEM (màng điện phân polymer). Khi lưới điện yêu cầu bổ sung năng lượng, hydro lưu trữ được chuyển đổi trở lại thành điện bởi một nhà máy khí sinh học kết hợp nhiệt và năng lượng (CHP). Bằng cách này, năng lượng “xanh” có thể được sản xuất khi cần thiết, bất kể điều kiện thời tiết. Hệ thống CHP của GP Joule có hiệu quả lên đến 95%.

Điện khí hoá toàn bộ hệ thống năng lượng
Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu diễn ra vào tháng 12 năm 2015 tại Paris đã thiết lập một số mục tiêu đầy tham vọng, chẳng hạn như giảm lượng khí thải carbon tới mức bằng không vào năm 2050 và hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu tới mức chỉ cao hơn 1,5-2 độ so với thời kỳ tiền công nghiệp. Những mục tiêu này có thể sẽ đẩy nhanh việc sử dụng rộng rãi các nguồn năng lượng tái tạo và kích thích đầu tư nhiều hơn cho những biện pháp năng lượng hiệu quả. Điện khí hóa toàn bộ hệ thống năng lượng cũng được xem là một phần quan trọng của các nỗ lực để giảm lượng khí thải CO2. Tại Đức, điện vẫn chỉ chiếm 20% năng lượng được tiêu thụ bởi người dùng cuối. Do đó, vai trò của các bên liên quan trong hệ thống năng lượng cần phải thay đổi. Người tiêu dùng phải trở thành người đóng vai trò tích cực trong hệ thống, như nhà kinh doanh năng lượng hoặc các nhà quản lý phân phối điện. Các nhà sản xuất cũng được kêu gọi trở nên chủ động hơn trong việc sử dụng năng lượng, chẳng hạn bằng cách dùng các hệ thống giám sát năng lượng thông minh để tăng hiệu quả sử dụng năng lượng trong các nhà máy của mình.

Để xem các tin bài về hội chợ Hannover Messe 2016, hãy nhấn vào đây.

(Nguồn: Hannovermesse.de – Deustche Messe AG)

Bình luận hay chia sẻ thông tin